Thủy đậu là một bệnh do nhiễm vi rút gây ra. Bệnh thường xuất hiện và bùng phát vào mùa đông và mùa xuân ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh có những biểu hiện như người mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Đây là một bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Dị tật bẩm sinh là một trong số các biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là người bệnh sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24-48 giờ có thể nổi toàn thân. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn, tình trạng bệnh không quá trầm trọng.
Nếu thể trạng không tốt hoặc trước đó người bệnh đã mắc các bệnh lý khác, có ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, số lượng mụn nước có thể gia tăng nhiều, dễ gây nhiễm trùng nốt đậu, để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, biến chứng vào phổi, não, gan, xương khớp..., thậm chí có thể gây tử vong.
- Các vấn đề về phổi, viêm phổi. Nếu người bệnh nghiện thuốc lá, nguy cơ viêm phổi cao hơn rất nhiều. Riêng trường hợp bị viêm não do biến chứng của thủy đậu, tỷ lệ tử vong chiếm 5-20%, ngay cả khi được cứu sống bệnh vẫn có thể để lại di chứng nặng nề.
- Dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hoặc tử vong: phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu trong 28 tuần đầu của thai kỳ, có khả năng bị sảy thai, hoặc thai nhi có nguy cơ phát triển hội chứng thủy đậu thai nhi (FVS). Đây là hội chứng hiếm, tỷ lệ xảy ra trong 12 tuần đầu dưới 1%, giữa tuần 13-20 là 2%.
- Nguy cơ biến chứng và tử vong tăng theo tuổi. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ em khỏe mạnh là 2 trên 100.000 trường hợp, nhưng ở người lớn thì cao gấp 15 lần. Mức độ biến chứng ở người lớn cũng nặng hơn trẻ em. Đa số bệnh nhân đều chưa tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.
- bệnh zona. Siêu vi varicella-zoster gây ra thủy đậu có thể ẩn trong tế bào thần kinh và kích hoạt trở lại, phát triển thành bệnh zona sau nhiều năm. Bệnh có các biến chứng riêng, gọi là đau thần kinh sau zona.
Vào mùa đông và mùa thu thời tiết thường có mưa, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao là điều kiện cho bệnh thủy đậu xuất hiện và bùng phát. Bệnh nếu không được đề phòng và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm nói trên. Do đó, để tránh các tác hại và nguy cơ tiềm ẩn của căn bệnh này, các bạn cần có sự đề phòng ngay từ bây giờ.
Phòng bệnh thủy đậu
- Vì thủy đậu là bệnh do vi rút gây ra nên các bạn nên có biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của loại vi rút này vào cơ thể. Do đó, các bạn cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, luyện tập thể thao để tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Khi thấy cơ thể có những biểu hiện của bệnh thủy đậu như mệt mỏi, sốt, chảy nước mũi, nổi ban đỏ... thì nên sớm đi thăm khám và chữa trị. Người bệnh không nên gãi sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn; tắm nước ấm; giặt và phơi nắng đồ dùng cá nhân; tránh tụ tập nơi đông người, che tay hoặc quay lưng lại khi ho... để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Nên tiêm phòng sớm bệnh thủy đậu. Nên tiêm một liều cho trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, và 2 liều cách nhau 4-8 tuần cho trẻ thiếu niên từ 13 tuổi trở lên hoặc người lớn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm ngừa ít nhất 3 tháng trước khi dự định có thai.
No comments: