Dù bây giờ trưởng thành nhưng trong mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua một thời trẻ con thơ dại. Thời đấy mỗi khi tết đến xuân về là trong lòng háo hức không chỉ được một kì nghỉ dài ngày, vui chơi thỏa thích mà là nhận được tiền lì xì đầu năm. Thế nhưng khoản tiền lì xì kha khá đó lại ít được bậc làm cha làm mẹ quan tâm dạy trẻ cách dùng vào việc có ích theo lứa tuổi mà bé đang tới trường. Để quản lý, chi tiêu khoản tiền mừng của con một cách hợp lý có nghĩa, mà không gây áp lực hay tạo cho trẻ cảm giác hậm hực khi bị tịch thu hết tiền. Cùng tham khảo một số lời khuyên của chuyên gia tâm lý để hiểu hơn về vấn đề này các bạn nhé!
Dạy trẻ tiêu tiền lì xì có ích theo độ tuổi
1. Dạy trẻ thế nào là tiêu tiền có ích
Bậc làm cha mẹ nên dạy cho trẻ cách tiêu tiền đúng cách, điều này không chỉ giúp trẻ biết cách chi tiêu trong thời điểm hiện tại, mà đây còn là cách định hình cách tiêu tiền đúng cách trong tương lai của trẻ. Để trẻ biết quý trọng đồng tiền và quan trọng hơn là biết sử dụng số tiền mừng tuổi một cách hữu ích, người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao nên để ông bà, bố mẹ quản lý giúp số tiền mừng tuổi đó. Hãy cùng trẻ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, định hướng việc dùng tiền mừng tuổi vào những việc thiết thực phục vụ nhu cầu bản thân như mua sách vở hay đồ dùng học tập mà mình đang cần. Hoặc có thể để trẻ cùng các thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung hoặc cùng nuôi lợn đất đến cuối năm mổ lợn lấy tiền sơn sửa lại nhà. Trẻ sẽ thấy vui khi được góp công sức của mình làm ngôi nhà đẹp hơn.
Cha mẹ cũng có thể hướng cho trẻ dùng một phần tiền mừng tuổi để ủng hộ đồng bào lụt bão, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, không chỉ tránh để trẻ dùng tiền mừng tuổi lãng phí vào những trò chơi nguy hại mà còn giúp trẻ biết quan tâm chia sẻ với người khác. Đó mới là ý nghĩa đích thực của tiền mừng tuổi đầu năm.
Nếu bạn không an tâm lắm, tốt nhất hãy thỏa thuận với bé về một tài khoản tiết kiệm. Số tiền này coi như trẻ là chủ sở hữu và bạn là người đứng ra bảo lãnh. Trẻ có thể dùng số tiền này vào những việc cần thiết hoặc tích cóp dần để có thể tự lập trong tương lai. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng lớn đều có gói tiệt kiệm dành cho trẻ nhỏ. Bạn có tìm hiểu và lập tài khoản cho trẻ theo hướng này để linh hoạt hơn về khoản gửi, thời gian gửi cũng như cập nhập nhanh nhất những chương trình khuyến mại của ngân hàng.
2. Dạy trẻ cách tiêu tiền lì xì đúng theo độ tuổi
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên biết đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ có nhu cầu tiêu tiền thì bố mẹ phải đưa tiền mừng tuổi và hướng dẫn cho trẻ tiêu. Khi trẻ lên kế hoạch chi tiêu tức là chúng đã có ý kiến riêng của mình. Cha mẹ không nên quá lo lắng việc trẻ biết tiêu tiền là hư hỏng mà nên tôn trọng việc làm của trẻ. Không nên cấm đoán hoặc bẻ ngoặt trẻ khi đã có chính kiến riêng của mình. Với trẻ 14-15 tuổi đã có ý thức rất rõ về giá trị của đồng tiền. Lúc này, phụ huynh nên phân tích và cho trẻ được quyền tự lựa chọn việc quản lý, sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào. Nếu trẻ không muốn gửi bố mẹ thì nên hướng dẫn trẻ cách gửi tiền tiết kiệm, cho trẻ biết số tiền lãi khi đến kỳ, hỏi nguyện vọng của trẻ trong năm và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền đúng mục đích. Nếu trẻ biết sử dụng tiền vào mục đích tốt, cha mẹ nên khuyến khích.
- Đối với trẻ từ 6 đến 10 tuổi: Cùng với việc dạy trẻ lựa chọn, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ: “Con có chừng này tiền, hãy chọn thứ mà con định mua và giải thích cho mẹ vì sao con chọn nó”. Tránh sử dụng các từ ngữ như: “Nếu mình mua món đồ chơi này thì mẹ và bố sẽ không có đủ tiền để mua thức ăn nữa”. Điều đó có thể rất hiệu nghiệm trước mắt, nhưng sẽ dễ gây ra một áp lực và cảm giác có lỗi cho trẻ, nhất là đối với trẻ nhạy cảm. Bắt đầu dạy trẻ tiết kiệm tiền bằng cách để dành một khoản nhỏ trong số tiền mình có để tiết kiệm.
- Đối với trẻ từ 9 đến 12 tuổi: Hãy để trẻ trích một phần tiền tiêu vặt của mình để mua những món quà nhỏ cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt trong các dịp sinh nhật hoặc lễ Tết. Nó có thể đơn giản là vài viên kẹo để chia sẻ với mọi người. Điều này có thể giúp trẻ học cách biết chia sẻ, cũng như là quy định khoản ngân sách của chính mình. Thỉnh thoảng có thể gọi trẻ đến ngồi cùng bạn khi bạn thanh toán các hóa đơn trong gia đình, để trẻ có thể hiểu được những khoản tiền trong tháng cần chi dùng cho gia đình là bao nhiêu so với thu nhập của cha mẹ.
- Đối với trẻ vị thành niên: Cùng trẻ lập ra những kế hoạch lâu dài, như dành dụm tiền đi học đại học hoặc mua xe máy mới khi trẻ có việc làm, để giúp trẻ biết tiết kiệm cho những mục đích dài lâu. Nếu trẻ đang làm thêm và biết cách tiêu tiền có trách nhiệm, hãy bàn bạc để giúp trẻ sử dụng món tiền đó hợp lý. Có thể đề nghị trẻ cùng chia sẻ những khoản chi phí trong gia đình như một người trưởng thành và có trách nhiệm thực sự.
Tuyệt đối các bậc phụ huynh không nên có suy nghĩ để trẻ tự quyết định với số tiền mừng tuổi của mình, vì khi chưa đủ kiến thức trẻ sẽ hình thành nên cách tiêu tiền hoang phía không có mục đích cụ thể rõ ràng. Hãy tham khảo cách trên nha các bạn nhé!
No comments: