Diễn đàn làm đẹp và sức khỏe

Friday, January 8, 2016

Viêm nhiễm phụ khoa bạn nên biết

0 comments
Viêm nhiễm phụ khoa có thể gặp phải ở nhiều độ tuổi khác nhau. Song thường gặp nhất ở phụ nữ đã có đời sống tình dục. Nhiều người chủ quan coi đây là bệnh phụ khoa mà ai cũng gặp phải và có thể tự khỏi nên phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về sau. Chị em cần biết nhiều hơn về vấn đề này để có thể bảo vệ sức khỏe cho mình.

Tìm hiểu về viêm nhiễm phụ khoaViêm nhiễm phụ khoa đôi khi chỉ có những triệu chứng rất “nhẹ nhàng” như ra khí hư trong suốt kỳ kinh, hơi ngứa rát khi đi tiểu tiện…, nhưng nếu bỏ qua, sẽ dễ dẫn đến viêm nhiễm mạn tính, để lại những hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe sinh sản của chị em. Các tác nhân gây bệnh như nấm Candida, kí sinh trùng roi (Trichononas), vi khuẩn… xâm nhập gây viêm âm hộ, âm đạo. Khi viêm âm đạo lây lan đến lớp tế bào tuyến trong cổ tử cung, sẽ gây viêm tử cung và vòi trứng. Nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm vùng chậu và tắc vòi trứng gây vô sinh. Tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần có thể gây ung thư cổ tử cung. Theo thống kê, ở Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung là 7,7/100.000 người, đứng thứ ba sau ung thư vú, dạ dày. Con số này là 22/100.000 người ở thành phố Hồ Chí Minh, đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở phụ nữ.

Viêm nhiễm phụ khoa, căn bệnh làm khổ 70-80% phụ nữ ở cả mọi lứa tuổi
Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tỷ lệ bị viêm nhiễm phụ khoa là rất cao. Đa số các tác nhân gây bệnh phụ khoa như nhiễm nấm Candida, trùng roi Trichomonas, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, lậu cầu khuẩn… đều lây truyền qua đường tình dục. Vệ sinh cá nhân không đúng cách cũng là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phụ khoa: không vệ sinh thường xuyên gây nhiễm bẩn, hoặc “quá sạch” như sử dụng các loại xà bông làm tiêu diệt hệ vi khuẩn có ích và mất đi độ acid tự nhiên của âm đạo, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn có hại phát triển. Các thủ thuật phụ khoa không an toàn (dụng cụ đặt tránh thai, nạo hút thai…) cũng dễ làm tổn thương, gây viêm nhiễm phụ khoa. Mất cân bằng nội tiết do stress, căng thẳng, thay đổi môi trường đột ngột… đều là những nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa.

Với phụ nữ ở tuổi mãn kinh, do sự sụt giảm hoạt động nội tiết estrogen của buồng trứng, môi trường âm đạo trở nên khô và trung tính, thiếu đi các chất dịch và axit lactic diệt khuẩn, vi khuẩn, nấm và tạp trùng dễ dàng tấn công âm hộ, âm đạo gây viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.

Không chỉ các mẹ, các chị mới bị viêm nhiễm phụ khoa, căn bệnh này còn xuất hiện không ít ở các bé gái chưa đến tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do cơ quan sinh dục nữ của bé gái chưa phát triển hoàn thiện, hoạt động nội tiết của buồng trứng chưa nhiều, bé gái chưa có những “hàng rào sinh lý” để ngăn chặn các tác nhân xâm nhập từ môi trường: chưa có lông mu, hai môi lớn, môi nhỏ chưa phát triển, màng trinh và biểu mô âm đạo mỏng, trực tràng lại gần âm đạo nên phân dễ gây nhiễm khuẩn âm đạo, bên cạnh đó, môi trường âm đạo trung tính (chưa có axit lactic để ức chế sự phát triển của vi khuẩn). Tất cả những nguyên nhân trên kết hợp với vệ sinh kém sẽ làm cho bé gái bị viêm âm hộ, âm đạo. Tâm lý ít quan tâm và do ngại ngùng vấn đề tế nhị, các bé có thể không được chữa trị kịp thời, để lại những di chứng nặng nề khi đến tuổi trưởng thành.
Điều đáng nói là, viêm nhiễm phụ khoa là bệnh rất dễ tái nhiễm hoặc tái phát. (Ước tính viêm âm đạo có thể tái phát đến 4 lần trong 1 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ). Dùng các thuốc bôi, đặt âm đạo, thuốc kháng sinh có thể điều trị được những đợt cấp tính. Nhưng về lâu dài, khó lòng tránh được bệnh hay tái phát.
Vậy, làm sao để phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm phụ khoa?
Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Vệ sinh không tốt sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn gây hại phát triển. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, môi trường âm đạo không phải là môi trường vô trùng. Trái lại, trung bình có khoảng 6 loại vi trùng khác nhau, trong đó đáng kể là nhóm Lactobacillus. Nhóm vi khuẩn này sinh ra acid lactic, tạo môi trường axit trong âm đạo để bảo vệ âm đạo và ức chế, tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, nếu quá lạm dụng các sản phẩm sát khuẩn, thụt rửa vệ sinh âm đạo, và các loại kháng sinh sẽ làm mất đi hệ lợi khuẩn trong âm đạo, tạo điều kiện cho vi nấm, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào âm hộ âm đạo gây viêm nhiễm. Do vậy, cần vệ sinh đúng cách bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng.
Khi cảm thấy một trong các triệu chứng của viêm nhiễm phụ khoa như:
– Âm đạo có tiết dịch bất thường (khí hư có mùi và màu bất thường, có máu, có mùi hôi khó chịu…)
– Cơ quan sinh dục ngứa, rát, đau đỏ, có các nốt, các vết loét
– Khi đi tiểu thấy đau, buốt
– Đau bụng dưới hoặc đau trong khi giao hợp
– Chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau khi giao hợp
chị em cần đến các trung tâm, cơ sở y tế có uy tín về sản, phụ khoa để xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời.
Thông thường, khi bị viêm nhiễm phụ khoa, tùy từng ca bệnh, tùy từng lứa tuổi, các bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nấm, thuốc bôi ngoài âm đạo (đối với các bạn gái chưa có đời sống tình dục), thuốc đặt âm đạo (với phụ nữ đã có chồng, bạn gái đã quan hệ) có thể kết hợp cả thuốc uống kháng sinh, chống viêm. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị này thường phức tạp, phải kết hợp nhiều loại thuốc trong đó có kháng sinh làm giảm khả năng tạo môi trường acid tự nhiên ở âm đạo. Thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi điều trị tạm ổn bằng các loại thuốc đặt, thuốc uống vẫn bị tái phát, tái nhiễm triền miên, “nhờn thuốc” ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe sinh sản của chị em.

No comments:

 

Diễn đàn làm đẹp và sức khỏe © 2014

Diễn đàn được xây dựng dựa trên nền tảng chia sẻ. Vui lòng ghi rõ nguồn link khi chia sẻ lại nội dung từ diễn đàn
Edited By IT Việt Mua Text-link vui lòng liên hệ: lamdepkhoe@gmail.com